NHỮNG MÓN NỢ ĐẾN CUỐI ĐỜI TỪ NIỀM ĐAM MÊ RƯỢU VANG

NHỮNG MÓN NỢ ĐẾN CUỐI ĐỜI TỪ NIỀM ĐAM MÊ RƯỢU VANG

 

      Thoáng nghe tiêu đề, chắc các bạn đang tưởng tượng ra một vị nào đó thuộc loại ham vui đến độ say sưa suốt ngày…để đến mức gia sản tiêu tán và nợ chồng chất. Nhưng không phải như vậy. Xin thưa với các bạn, tôi đang kể lại câu chuyện về một vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ (Nhiệm kỳ: ngày 4 tháng 3 năm 1801 –  4 tháng 3 năm 1809), ông Thomas Jefferson (1743–1826), người đã soạn thảo bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ, một tác vẫn đang mãi lưu truyền đến hậu thế ngày nay.

 

Thomas Jefferson Dành Cả Cuộc Đời Yêu Rượu Vang

 

        Ông Jefferson dành tình yêu đặc biệt của mình với rượu vang từ khi còn là chủ đồn điền ở Virginia, thời đó rượu vang đều được nhập từ Châu Âu sang. Thời điểm đó, rượu vang luôn là một thức uống xa xỉ, bởi nhập thứ rượu này bảo quản rất khó, vì phải mất mấy tháng trời đi qua Đại Tây Dương nên rượu rất dễ hư hỏng do thời tiết. Nhưng với một phẩm chất “gentleman” như Thomas Jefferson thì khác. Ông chỉ thích uống thứ rượu vang ngon của Pháp. Ông tin rằng rượu mạnh làm cho người ta say xỉn, bê tha…còn rượu vang thì không như vậy. Chính vì thế, 2 hầm rượu (1 hầm đã đóng chai và 1 hầm rượu vang được ngủ trong thùng sồi), tại đồn điền Monticello lúc bấy giờ được nhận xét là phong phú và danh tiếng nhất nước Mỹ.

Tại hầm rượu của mình dưới lòng đất, ông đã thiết kế rất tiện ích khi có 2 cái thang kéo được nối trực tiếp lên thẳng phòng ăn của mình. Mỗi khi dùng bữa với các cộng sự cần bí mật (thời đó vẫn bàn tính Cách Mạng để ly khai khỏi đế quốc Anh), ông chỉ cần gửi giấy xuống hầm cho gia nhân và rượu tự động được truyền lên, không cần tới bồi bàn bên ngoài làm ảnh hưởng đến câu chuyện trong bữa tiệc.

 

Hầm Rượu Vang Dưới Lòng Đất Của Thomas Jefferson

 

Về sau, khi Cách Mạng thành công, ông được bổ nhiệm làm đại sứ toàn quyền của quốc gia Hoa Kỳ tại Pháp, bên cạnh đó là thời vua Louis XVI (1784 – 1789). Trong khoảng thời gian này, mỗi khi rảnh rỗi ông đều đi thăm các vùng làm rượu nổi tiếng nơi đây.

Mùa xuân năm 1787, ông đại sứ Jefferson đã làm một chuyến viễn du qua các vườn nho danh tiếng ở Paris của Pháp, sang miền Bắc nước Ý. Tại đây, ông đã thưởng thức rượu của làng Volnay, xuống tiếp là thành phố Lyon kinh đô của nghệ thuật ẩm thực, kế tiếp là vùng Côtes-du-Rhône, tới làng Condrieu với Château Grillet và được mời uống rượu vang trắng thượng hạng ở Hermitage.

Đặc biệt nhất vẫn là chuyến ghé thăm vườn nho hảo hạng ở vùng Bordeaux. Ông đã ở lại đây khoảng 3 ngày, dành riêng 1 ngày để khảo sát các vườn nho của 2 Châteaux danh tiếng nhất là Haut Brion và Pontac. Hai ngày còn lại ông thăm quan các Châteaux và Domainex khác ở trong vùng này.

Với tài trí thông minh và niềm đam mê dành cho rượu vang của mình, sau những lần vấn đáp cùng nhà sản xuất, và đại lý bán rượu, ông Jefferson đã tự thiết lập ra bảng xếp hạng theo cấp bậc cao thấp, căn cứ trên phẩm chất rượu và giá tiền của các Châteaux tại vùng Bordeaux. Chính ông đã ghi lại một số những nhận xét như sau:

“Rượu vang đỏ của vùng Bordeaux có 4 Crus danh tiếng hơn các nhà khác. Đó là Château Margaux, Tour de Ségur (sau này là Château Latour), Haut Brion và Château Lafite Rothschild. Khi ông nói về Sauternes. Đây chính là thứ rượu vang trắng tốt nhất của Pháp (ngoại trừ Champagne và Hẻmitage)”

Mọi người đều ngả mũ thán phục ông Thomas Jefferson khi đưa ra bảng xếp hạng rượu Médoc, và Sauternes theo thứ tự hơn kém của riêng ông từ gần 100 năm trước khi chính phủ Pháp công bố bảng xếp hạng năm 1855, có giá trị như một bảng vàng bia đá, chính thức đánh dấu đẳng cấp các thứ hạng rượu vang ngon nhất vùng Bordeaux.

Khi nhiệm kỳ làm địa sứ ở Pháp kết thúc, ông Thomas Jefferson trở về Mỹ tiếp tục hoạt động chính trị. Ông từng giữ chức vụ thống đốc tiểu bang Virginia, và đến năm 1801 thì được bầu làm tổng thống Hoà Kỳ.

 

Bức Tượng Thomas Jefferson (nhiệm kỳ 1784 - 1789) Nằm Ở Bờ Trái Paris

Tại Cây Cầu Đi Bộ Passerelle Léopold-Sédar-Senghor Gần Bảo Tàng Cố Đô

 

Trong thời gian cầm quyền ở Nhà Trắng, ông luôn tiếp đón các vị quốc khách bằng các buổi tiệc sang trọng và lịch sự, và dĩ nhiên là không thể thiếu đi rượu vang ngon, đặc biệt là Champagne, để đi kèm các món ăn. Ông đưa ra quy định với nhà bếp là cứ đón 5 vị khách thì luôn mở 2 chai Champagne thượng hạng.

Hết năm 1809 ông Thomas Jefferson hoàn thành sự nghiệp chính trị, ông lùi về sống tại đồn điền Monticello và dành phần nhiều thời gian nghiên cứu việc trồng cấy các loại nho làm rượu. Ông luôn tự tạo cho mình mục tiêu là phải làm ra thứ rượu ngon như vùng Bourgogne (Burgundy). Từ tư duy đó, ông đặt mua nhiều cây nho giống tại Châu Âu sang để trồng thí nghiệm tại Monticello. Thật không may, nạn dịch Phylloxera đã tàn phá hết các ruộng nho của ông, khiến mất hết tiền của từ đó.

 

                  Thomas Jefferson Tiếp Đãi Tiệc Vang Ở Nhà Trắng

 

Vào đúng ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ 4 tháng 7 năm 1826, ông Thomas Jofferson từ trần. Tài sản của ông để lại không còn gì ngoài một đống nợ mua rượu vang trước đó chưa thanh toán được. Các con cháu thừa kế gia tài của ông đã phải bán đi rất nhiều đồ vật quý giá mới dần trả hết nợ.

Thực tế ngày nay, đồn điền Monticello đã trở thành một Bảo Tàng Viện Lịch Sử của Hoa Kỳ. Hãng rượu vang Jefferson Vineyards ở kế cận đó công bố một cách tự hào rằng, nho của họ được sản xuất từ chính những mảnh vườn do ông Jefferson đích thân lựa chọn.

 

Jefferson Vineyards  Virginia

 

       Theo các chuyên gia đánh giá, phẩm chất rượu hiện tại của Jefferson Vineyards là rất khá, và nếu như ông còn sống thì có lẽ ông cũng lấy làm hãnh diện mà mời khách thập phương thưởng thức thứ rượu này, đây là niềm tự hào vì nó ở chính trên quê hương nơi ông đã sinh ra.